Xuân chớm đến cũng là lúc người nông dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) sẽ đón một cái tết trong niềm vui trọn vẹn bởi cây cam bù đặc sản nơi này có giá trị kinh tế đang vào độ thu hoạch. Nức danh cam bù xứ Nghệ đã có sức lan tỏa trong những dịp xuân về, cỗ bàn không thể thiếu...
Những ngày áp tết, dù trời mưa dầm dề, lạnh đến cắt da cắt thịt nhưng tại các vườn cam bù của nhà nông các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê... tỉnh Hà Tĩnh đang tất bật vào vụ thu hoạch cam bù - loại trái cây đặc sản nức danh vùng xứ Nghệ duy chỉ tiêu thụ cho dịp Tết cổ truyền đang đến.
Cam bù là giống đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp với mọi nhà sử dụng trong dịp Tết nguyên đán
Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua Tết nguyên đán. Theo đó, mỗi cây cam bù, đăc biệt là vùng núi huyện Hương Sơn được cho là nơi "khơi nguồn" để giống cam bù đặc sản lưu truyền từ đời này qua đời khác. Để lưu giữ giống quả ngọt này bởi giá trị dinh dưỡng và kinh tế của nó rất cao, vào loại bậc nhất trong dòng cam bưởi tại miền Trung. Giống cam này trồng ít nhất mất 4 năm mới cho quả, chiều cao khoảng 2 m, cho chừng 100 quả, có cây gần 200 quả.
Để cho quả không sà xuống mặt đất, người dân đã phải chống cọc tre xung quanh các cành cây. Tuổi thọ trung bình của mỗi cây là 10-15 năm, sau đó phải thay mới.
Để có một mùa quả ngọt như ý, nhà nông ở vùng sơn cước này phải bỏ ra nhiều công sức. Khi vụ thu hoạch đến, cam được giá cũng là một năm đầy thắng lợi của nhà nông
Suốt dọc tuyến đường đi 8A lên Hương Sơn, 15A lên Hương Khê và trục đường Hồ Chí Minh qua huyện Vũ Quang... chỉ cần phóng tầm mắt lên các ngọn đồi hai bên đường những vườn cam chín mọng đỏ chói hiện lên như một mê cung, những quả cam căng tròn nằm gọn trên các sạp bán cam của người dân trong phiên chợ, ngoài lề đường.
Giống cam bù đặc sản với trung bình mỗi quả nặng khoảng 0,3kg, có những quả nặng hơn 0,7kg. Giá cam bù Hương Sơn thu mua tại vườn là 60.000 đồng/kg. Khi ra ngoài chợ, giao động mức 70.000 đồng đến 100.000 đồng/kg.
Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Bằng... là một trong những xã đứng hàng dầu về diện tích cây cam bù tại huyện Hương Sơn. Thông tin từ UBND xã Sơn Trường cho hay: Toàn xã hiện có trên 110 ha cam, chủ yếu tập trung ở xóm 3,5,6,7,8,9…Ngoài xây dựng các trang trại bà con Sơn Trường còn trồng cam ở vườn nhà để tăng thêm thu nhập, gần như 100% người dân trong xã trồng cây cam bù.
Từ đời này qua đời khác, nông dân Hương Sơn luôn coi trọng và lưu giữ giống cam bù đặc sản quê hương để ngày xuân giới thiệu tới du khách thưởng thức
Tại xã Sơn Mai, có hơn 200 hộ dân trồng cam bù với diện tích hơn 200 ha. Một số gia đình trồng cả trang trại, diện tích lên đến gần 30 ha với hàng nghìn gốc. Đây là cây ăn quả đặc sản nên giá trị kinh tế rất lớn, bình quân 1 ha cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng, vườn cây nào được chăm sóc tốt thu nhập cũng đạt hàng tỷ đồng/ha.
Theo người dân bản địa Hương Sơn, những năm 1960 giống cam bù này mới được người dân ồ ạt trồng để phát triển kinh tế. Giá trị của cam bù thì khỏi phải nói, vừa có màu sắc đẹp, mùi thơm, vị chua ngọt lại còn chữa được rất nhiều bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, đường ruột, tim mạch…
Anh Nguyễn Văn Hợi, xóm 6, xã Sơn Trường cho biết, Toàn HTX tôi quản lý đang sản xuất 6 ha cam với trên 2.500 gốc, riêng gia đình tôi trồng hơn 400 gốc cam nhưng 5 năm lại nay trừ chi phí rồi bình quân năm nào trại cam cũng cho gia đình tôi lãi ròng gần 200 triệu đồng, cũng nhờ cây cam mà nay nhà tôi đã thoát nghèo có cuộc sống sung túc hơn”.
Dịp áp Tết, cam bù xứ Nghệ được nhà nông bày bán đỏ chợ quê, dọc các trục tuyến đường nội tỉnh và khắp các vùng quê...
Cây cam bù giờ đã trở thành cây ăn quả cho hiểu quả kinh tế hàng đầu trên đất Hương Sơn, gấp 10-20 lần các cây trồng khác như chanh, quýt, mía…Đặc biệt, trong ngày tết cam bù là quả phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng làm quà biếu anh em, bạn bè gần xa; là thứ quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên.
Hiện toàn huyện Hương Sơn có 1.955 ha cam, trong đó 844 ha đã cho thu hoạch và cam bù chiếm 344ha, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Trường… Với kỹ thuật chăm sóc ngày càng cao, năng suất cây cam bù ngày càng cao, bình quân năm 2016 đạt 14,5 tấn/ ha, năm 2017 ước đạt 15,5tấn/ ha.
Không riêng gì Hương Sơn, mà giống cam bù miền sơn cước này đã và đang được nhân rộng hầu hết các huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh như Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc...
Tại xã Hương Thủy (Hương Khê) là một trong những địa phương của huyện này nhân rộng mô hình giống cam bù Hương Sơn. Có những nhà trồng cả trang trại, lên đến 3.500 gốc cam bù Hương Sơn, còn một tháng nữa mới đến vụ chính, song hiện có nhiều quả đã chín. Mỗi cây cao chừng 2 m, cho chừng 100 quả, có cây gần 200 quả.
Huyện miền núi Hương Sơn bao đời nay đã nổi danh với đặc sản cam bù ngọt thơm đậm đà. Là loại quả thu hoạch đúng dịp Tết nguyên đán, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên cam bù ngày càng được nhiều nông dân lựa chọn làm cây chủ lực phát triển kinh tế gia đình…
Hiện nay, để phát triển lợi thế về cây cam bù, huyện Hương Sơn đang có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích mở rộng diện tích. Cùng với hỗ trợ về thủ tục cấp đất, quy tụ trang trại huyện còn hỗ trợ 15.000 đồng/cây cam bù đối với vườn hộ có diện tích tối thiểu 200m2 và các tổ chức, cá nhân, hộ trồng mới tập trung trên diện tích 0,5ha (tương đương 250 gốc).
Những ngày áp Tết nguyên đán, giống cam bù đặc sản các vùng miền núi Hà Tĩnh đang đổ dần về phố phường trên toàn tỉnh và các địa phương lân cận nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm ngày Tết của người dân bản địa.